Khởi nghiệp là điều mà bất cứ bạn trẻ nào cũng mơ ước. Nhưng nó thực sự không phải là một cuộc dạo chơi mà là một cuộc chiến với đồng tiền, thị trường, khách hàng,…Nếu như bạn đang nhen nhóm ý định kinh doanh với một vài ý tưởng nhỏ nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy đọc ngay bài viết này.
Nhắc nhở thêm một chút là nếu bạn tưởng chỉ cần đi học vài khóa nhập hàng, về thuê một địa điểm sau đó thuê thêm nhân viên về làm là có thể kinh doanh thành công thì bạn đang nhầm to!
1. Kinh doanh bắt đầu từ khách hàng
Cốt lõi của việc kinh doanh là bạn có thể bán được hàng, mang về doanh thu và lợi nhuận. Muốn bán được hàng thì bạn cần phải chuẩn bị những gì. Trước tiên, phải biết được khách hàng là ai? Đây là yếu tố quan trọng nhất để bạn xác định những vấn đề tiếp theo của mình. Giả sử, bạn muốn bán quần áo cho nhóm đối tượng là sinh viên. Vậy thì khi chọn sản phẩm, phải chọn những mẫu bắt trend, trẻ trung, cá tính, phù hợp với đối tượng sinh viên. Tiếp theo, bạn nên chọn địa điểm gần những trường đại học, quanh khu sinh viên ở trọ để thuận tiện khi marketing, bán hàng. Sau đó, việc trang trí cửa hàng cũng cần tươi mới, trẻ trung, phù hợp với đối tượng khách hàng. Và còn rất nhiều vấn đề khác trong kinh doanh đều liên quan trực tiếp đến khách hàng.
Vì vậy, hãy dành nhiều thời gian để nghiên cứu khách hàng của bạn là ai? Họ yêu thích cái gì? Họ có thói quen mua sắm như thế nào? Họ có tính cách như thế nào? Để hiểu được những điều ấy, bạn nên bắt đầu từ nhân khẩu học: tuổi, giới tính, thu nhập, địa vị xã hội, nghề nghiệp,…
2. Nguồn hàng trong kinh doanh
Sản phẩm chất lượng là một trong những yếu tố bắt buộc nếu như bạn muốn kinh doanh trong dài hạn. Vì vậy, ngay từ đầu, bạn cần lựa chọn nơi cung cấp nguồn hàng uy tín, chất lượng. Điều này không chỉ tạo niềm tin cho khách hàng mà còn góp phần củng cố thương hiệu của bạn.
Đừng tham rẻ trong những ngày đầu làm kinh doanh. Trừ khi mục đích kinh doanh của bạn là bán những sản phẩm thật rẻ tiền. Hãy cứ chọn một sản phẩm chắc chắn, ít nhất là ở mức bình dân nếu như bạn không có nhiều vốn.
3. Vị trí kinh doanh
Chọn được vị trí kinh doanh đắc địa là bạn đã có tới 50% cơ hội thành công rồi. Nhưng lựa chọn vị trí như thế nào? Nếu bạn bán đồ ăn vặt, hãy chọn những địa điểm gần trường học hoặc dân cư đông đúc. Nếu bạn muốn bán cà phê, sinh tố, hãy chọn nơi gần các tòa văn phòng hoặc ít nhất là tại một điểm ngã tư đông đúc, nhiều người qua lại. Hiểu đơn giản, địa chỉ phải gần với những khách hàng của bạn, họ phải dễ dàng tìm thấy, nhìn thấy và tiện mua.
4. Tuyển nhân sự và thiết lập mối quan hệ
Nếu như bạn định kinh doanh theo kiểu hộ gia đình, cá thể thì khâu tuyển nhân sự ban đầu có thể chưa cần. Nhưng sau này, khi phát triển kinh doanh thì đây là điều cần thiết. Hãy đảm bảo rằng nhân viên của bạn phải thực sự am hiểu về sản phẩm và có kỹ năng bán hàng nhất định.
Ngoài ra, việc thiết lập mối quan hệ với các đơn vị như nhà cung cấp, đơn vị vận chuyển, khách hàng thân thiết cũng rất quan trọng. Các mối quan hệ tốt đẹp sẽ luôn khiến việc làm ăn của bạn thuận lợi hơn nhiều.
5. Một bản kế hoạch kinh doanh đầy đủ
Thường thì nhiều bạn thực hiện việc lập kế hoạch đầu tiên trước khi làm tất cả mọi việc. Nhưng nếu như bạn mới tập tành kinh doanh thì việc lập kế hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn thử làm trước, bán hàng và xem xét tình hình khách hàng, doanh thu, chi phí sau đó lập bản kế hoạch đầy đủ cho tương lai!
Trên đây là 5 bước để các bạn mới tập kinh doanh áp dụng và thực hiện. Với những mô hình nhỏ lẻ, việc áp dụng 5 bước này sẽ giúp bạn có những bước đi đầu tiên an toàn và vững chắc nhất. Ngoài ra, bạn có thể truy cập vào đây để tham khảo những kiến thức kinh doanh bổ ích khác.