Những năm gần đây, Viral Marketing đang “lên ngôi” và là sự lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp trong việc thực hiện chiến dịch Marketing. Tại sao ư? Đơn giản là vì nó gây được hiệu ứng mạnh trong cộng đồng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp muốn truyền bá hình ảnh thương hiệu. Nhưng, liệu có phải chiến dịch Viral Marketing nào cũng thành công? Và việc thực hiện nó liệu có đơn giản như nhiều người nghĩ?
1. Viral Marketing là gì?
Viral Marketing bản chất là việc lan truyền thông điệp, hình ảnh, thương hiệu đến cộng đồng thông qua một cá nhân. Viral thường được ví như con virus có khả năng lây lan mạnh mẽ trong môi trường, diễn ra theo cấp số nhân và phải tiếp cận được càng nhiều người càng tốt. Có thể thấy, Viral chính là một hình thức truyền miệng hiệu quả. Viral Marketing có thể là một chiến dịch có chủ đích của doanh nghiệp hoặc cũng có thể là một tình huống phát sinh. Đây được coi là một “con dao hai lưỡi” khi mà nó không có gì đảm bảo sẽ mang lại lợi ích hoàn toàn cho doanh nghiệp.
Viral marketing là một hình thức mrrketing lan truyền rất hiện quả
2. Những điểm mấu chốt của Viral Marketing
Cho khách hàng một thông tin hấp dẫn để “tám”
Nếu như bạn muốn khách hàng bàn tán, lan truyền về doanh nghiệp thì nhất thiết phải đưa cho họ một chủ đề để “tám”. Về bản chất, khách hàng là những “con nghiện” thông tin nhưng họ thường không thích nói về cái gì tẻ nhạt hoặc đơn giản. Vậy nên, hãy đưa cho họ một chủ đề nhưng phải là chủ đề hấp dẫn, có nhiều khía cạnh để nói. Càng là những chủ đề Hot và gây tranh cãi thì càng dễ Viral.
Điện máy xanh đã từng rất thành công với chiến dịch Viral Marketing vào năm 2016 thông qua TVC quảng cáo điện máy sử dụng những hình ảnh “người xanh” độc đáo. Chẳng cần phải sử dụng hình ảnh người nổi tiếng nhưng những video, câu chuyện, hình ảnh về người xanh vẫn được lan truyền khắp mạng xã hội. Đây trở thành chiến dịch Marketing dẫn đầu trong giai đoạn 2016 – 2017 với hơn 1 triệu lượt tương tác trên internet.
Tạo sự liên tưởng
Trí tưởng tượng của khách hàng là rất phong phú và doanh nghiệp cần phải biết tận dụng điều này để thực hiện các chiến dịch Viral Marketing. Đừng đưa ra một câu chuyện quá đơn giản và rõ ràng, khách hàng sẽ chẳng có gì để bàn tán. Hãy cho họ cơ hội liên tưởng đến nhiều hình ảnh, khía cạnh và câu chuyện khác nhau để gây thú vị. Đó mới là điều mà khách hàng sẽ nhớ lâu nhất.
Mới gần đây Coca Cola đưa ra thông điệp quảng cáo “Mở lon Việt Nam” với dòng hastag #molonvietnam đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Sở dĩ nó được chia sẻ và bàn tán xôn xao là vì nó đang kích thích khách hàng liên tưởng đến những điều khách hàng. Và không biết là do vô tình hay có chủ đích nhưng đây cũng được coi là một chiến dịch Viral thành công của Coca.
Thông điệp của Coca Cola trở thành một hình thức Viral Marketing
Khơi gợi cảm xúc
Những điều được tạo nên từ cảm xúc và tự nhiên thường dễ đi vào lòng người và dễ chia sẻ hơn. Thế nên, khi thực hiện bất kì một chiến dịch Viral nào, hãy đẩy cảm xúc của khách hàng lên đến đỉnh điểm để họ buộc phải bàn tán, phải chia sẻ.
Hiệu ứng đám đông
Bản năng của con người là thích làm việc theo số đông và cách tạo hiệu ứng đám đông luôn kích thích được trí não của khách hàng. Điều này xảy ra ở hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống, chẳng hạn như khi lần đầu bước vào một quán ăn mà chưa có bất kỳ thông tin gì, việc đầu tiên chúng ta làm là quan sát xem quán có “đắt” không, nếu quán khá vắng thì phần nào đó chúng ta mặc định thức ăn ở đây “dở” và ngược lại.
Không phải ngẫu nhiên mà logo Quả táo cắn dở của Apple lại được thiết kế để thuận mắt với người đối diện hơn là với người đang trực tiếp sử dụng máy. Steve Jobs hiểu rõ xu hướng bắt chước của công chúng và sự “sắp xếp” này hoàn toàn dựa theo nguyên lý đó, ông muốn những người chưa dùng Apple sẽ cân nhắc theo sự lựa chọn của đồng nghiệp, người thân,…
Cung cấp giá trị thực tiễn
Viral Marketing vẫn phải sử dụng cái gốc là sản phẩm, dịch vụ mang lại được giá trị thực tiễn cho khách hàng. Không phải ngẫu nhiên mà kênh Youtube Bà Tân Vlog lọt Top 3 kênh Youtube phát triển người theo dõi nhanh nhất trong vòng 24h. Lý do là vì nó mang lại giá trị giải trí cao cho cộng đồng. Người ta cứ thấy mới mẻ, độc đáo thì sẽ bàn tán và lan truyền, nghiễm nhiên trở thành hiện tượng Viral mặc dù không có chủ đích từ đầu.
Kể một câu chuyện để Viral Marketing
Những câu chuyện thường khiến khách hàng dễ nhớ hơn, ấn tượng hơn và dễ đọng cảm xúc hơn. Cũng bởi thế mà KFC đã từng kể về câu chuyện ông già KFC đã làm nên thương hiệu này như thế nào, khó khăn như thế nào để thu hút sự chú ý từ phía công chúng.
Kết lại, Viral Marketing nói dễ cũng không dễ mà nói khó cũng không khó. Nó phải diễn ra đúng thời điểm với nội dung độc đáo và có khả năng gây tranh cãi để lan truyền. Đặc biệt, cũng cần quan tâm vấn đề kiểm soát chiến dịch Viral Marketing vì nó rất có thể sẽ gây hậu quả xấu khi phát sinh tình huống bên ngoài.