Việc sử dụng các chiến lược truyền thông dạng Buzz Marketing, tương tự như Marketing truyền miệng đã không còn là việc xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp. Đây là một chiến lược mang lại hiệu quả cực cao nếu thực hiện tốt và có thể nâng cao uy tín, danh tiếng của thương hiệu chỉ trong thời gian ngắn mà không tốn quá nhiều chi phí. Tuy nhiên, việc thực hiện nó lại không hề dễ dàng. Chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn 6 loại câu chuyện có thể tạo Buzz Marketing dễ dàng gây bão truyền thông.
1. Chuyện cấm kỵ tạo Buzz Marketing
Tâm lý của đại đa số con người đều rất đặc biệt, càng những chuyện cấm kỵ thì càng tò mò và thích làm. Đặc biệt hơn, cách chuyện cấm kỵ thường được người ta bàn tán công khai và rất dễ tạo thành hiện tượng trong cộng đồng.
Để tạo Buzz Marketing thì các doanh nghiệp thường lựa chọn các chủ đề cấm kỵ như chuyện tình cảm, tình dục, các câu chuyện “bị cấm” trong giới hạn văn hóa.
Điển hình như câu chuyện quảng cáo của Ngọc Trinh với bộ trang phục “mong manh thiếu vải” đến trầm trọng là một câu chuyện được người ta bàn tán khá nhiều. Hay như hình ảnh của Vietjet Air, luôn lựa chọn những cô người mẫu nóng bỏng mặc bikini để quảng cáo trên đường bay. Có thể những hình ảnh này thuộc vào điều “cấm kỵ” trong văn hóa của người Việt, nhưng nó vẫn luôn có sức hấp dẫn lớn để dư luận bàn tán xôn xao.
Hình ảnh phản cảm của Ngọc Tinh tạo Buzz Marketing tốt nhờ “chuyện cấm kỵ”
2. Chuyện bất thường
Những câu chuyện bình thường thì khó mà thu hút được khách hàng bởi vì đa số họ đều thích những câu chuyện “bất thường”. Những điều được coi là “bất thường” thì dễ nói chuyện hơn nhiều và cũng tạo được sự hứng khởi hơn.
Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm được những trang web hẹn hò cho các cặp đôi nên điều này trở thành điều bình thường. Thế nên, điều bất thường cần phải được tạo ra ở đây là gì? Một website hẹn hò dành riêng cho người “quá khổ” thì sao?
3. Chuyện chọc giận tạo Buzz Marketing
Những câu chuyện mang đến cảm xúc tiêu cực, phẫn nộ trong cộng đồng có sức lan tỏa cực kỳ mạnh mẽ. Việc “chọc giận” và gây ảnh hưởng đến cảm xúc của công chúng khiến cho câu chuyện lan nhanh hơn. Bài học từ chiến dịch truyền thông của Vietjet là một ví dụ điển hình. Khi hãng hàng không này sử dụng những người mẫu bikini ăn mặc phản cảm để đón đội tuyển đá bóng U23 về nước đã gây làn sóng phẫn nộ cực lớn trong cộng đồng. Người ta phẫn nộ vì niềm tự hào dân tộc, vì những giá trị tốt đẹp đang bị đưa ra để thực hiện những trò “lố lăng”. Và thế là Vietjet đã “chọc giận” rất nhiều khách hàng, đương nhiên, nó trở thành một Buzz Marketing điển hình.
4. Chuyện hài hước
Những câu chuyện hài rất dễ được lan truyền qua những lần “tám”, “chém gió” cùng bạn bè nên nó cũng được coi là một trong những câu chuyện tạo hiệu ứng Buzz Marketing tốt. Như câu chuyện về nội quy cửa hàng của quán Bún Bò Gân ở TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Những quy định “có một không hai” của quán ăn khiến cho khách hàng thấy thích thú và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.
Chuyện hài hước tạo chiến dịch “Buzz Marketing” của quán Bún Bò Gân
5. Chuyện đáng chú ý tạo Buzz Marketing
Muốn tạo một câu chuyện đáng chú ý, cách đơn giản nhất là bạn làm cho nó trở nên lạ và độc đáo. Chàng trai Vũ Xuân Tiến đã từng chạy bộ hơn 8km theo đoàn xe của đội bóng Arsenal để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ đối với đội bóng này. Ngay sau đó, chàng trai này đã được mệnh danh là “running man” và được tham gia nhiều chương trình truyền thông của Arsenal. Chiến dịch Buzz của Arsenal diễn ra đỉnh điểm khi đội bóng này mời Vũ Xuân Tiến xuất hiện trong trận bóng khai mạc tại sân Emirates, điều này khiến cho các tờ báo của Anh được phen “tốn giấy tốn mực” và cũng tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất tốt trong cộng đồng.
6. Chuyện bí mật
Những câu chuyện bí mật, úp mở không rõ ràng cũng là một trong những chủ đề có thể tạo Buzz nhanh chóng. Vài năm về trước, câu chuyện của học trò Phan Hiển với cô giáo Khánh Thi có tình cảm và có con với nhau là một đề tài nóng sốt được dân mạng bàn tán xôn xao. Người trong cuộc không lên tiếng, mọi sự chỉ là suy đoán, đồn thổi khiến cho dân mạng ngày càng tò mò. Và tất nhiên, cú buzz này chắc chắn sẽ giúp tăng thêm rating cho chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2015 mà Khánh Thi làm giám khảo. Cũng cần nói thêm, các cú viral liên quan đến người nổi tiếng thường nóng sốt hơn người bình thường. Do đó những người tổ chức chương trình game show, truyền hình thực tế thường tìm cách tạo chiêu trò viral có chủ đích để tăng hương vị trước khi ghi hình.
Kết lại, có 6 kiểu câu chuyện dễ dàng tạo Buzz Marketing nhất. Trong thời đại mà có quá nhiều các “ông lớn” chịu chi cho những chiến dịch Marketing thì việc dùng tiền để đọ sức không phải là một chiến lược thông minh. Chính vì vậy, việc tạo những chiến dịch Buzz Marketing có vẻ “dễ thở” và mang lại nhiều hiệu quả hơn.