Chiêu trò trong các chiến lược Marketing của Vietjet Air – bài học cho các doanh nghiệp

Gia nhập thị trường ngành hàng không vào năm 2011, chỉ vỏn vẹn trong 8 năm Vietjet Air đã vượt mặt cả “ông lớn” trong ngành là Vietnam Airlines để vươn lên dẫn đầu trong thị trường nội địa. Và nghiễm nhiên, hãng này đã trở thành cái “gai” trong mắt các hãng hàng không khác. Nhưng cái mà Vietjet Air quan tâm lại chẳng phải là sự yêu/ghét của đối thủ, họ chỉ cần khách hàng biết nhiều đến thương hiệu của mình. Và thế là những chiêu trò trong các chiến lược Marketing ra đời cùng với bao sóng gió, tranh cãi nảy lửa trên cộng đồng.

Xây dựng thương hiệu – những bước đi đầu tiên

Ngay từ khi gia nhập thị trường, Vietjet Air đã định vị là hãng hàng không giá rẻ để phục vụ những khách hàng tầm trung. Nhưng qua những chiến lược Marketing đầy táo bạo thì người ta còn nhớ đến Vietjet Air với những cái tên khác như: hãng hàng không Sexy, hãng hàng không đầy tai tiếng, hãng hàng không bikini,…Nếu như bỏ qua câu chuyện về những cảm xúc cá nhân thì ta có thể thấy những chiến lược truyền thông này thực sự khiến cho tên tuổi của Vietjet khắc sâu vào trong tâm trí khách hàng.

Chiến lược Marketing sử dụng người mẫu bikini của Vietjet

Chiến lược Marketing sử dụng người mẫu bikini của Vietjet


Chiến lược đầu tiên

Khởi nguồn của những chiến dịch “truyền thông sexy” là vào năm 2013,  Vietjet Air mời Ngọc Trinh cùng dàn người mẫu chân dài nóng bỏng, tạo dáng bên những chiếc máy bay của Vietjet. Thương hiệu Vietjet Air bỗng chốc nổi đình nổi đám, những ý kiến trái chiều đã “khơi mào” cho một cuộc tranh cãi nảy lửa. Người thì cho rằng các chiến lược của Vietjet là thông minh, có hiệu ứng tốt nhưng lại có không ít người cho rằng Vietjet đang làm quá lố, phản cảm. Nhưng dù có ầm ĩ hơn nữa thì cũng phải khẳng định rằng Vietjet đã thắng lớn, bằng chứng là mức độ nhận diện thương hiệu của hãng hàng không này lên đến 98%.

Sử dụng người mẫu bikini – cũ nhưng vẫn làm

Trong cuốn lịch năm 2018, Vietjet Air vẫn tiếp tục sử dụng hình ảnh người mẫu với trang phục bikini để “đốt mắt” khách hàng. Trong đó, nổi bật lên là siêu mẫu Celine Farach, 20 tuổi đang nổi như cồn với danh xưng là “ cô nàng nóng bỏng nhất mạng xã hội” và siêu mẫu Minh Tú – Á Quân Asia Next Top Model. Và phải thấy rằng, quả là Vietjet Air rất biết cách “hâm nóng” cộng đồng. Dù chẳng biết có bao nhiêu người dám treo bộ lịch đấy lên nhưng người ta cứ nhắc hoài, nhắc mãi về bộ lịch của Vietjet trong năm 2018 với chiến lược Marketing đầy táo bạo.

Chiến lược truyền thông “giá rẻ”

Nhiều người thắc mắc, sao Vietjet chỉ sử dụng người mẫu bikini để truyền thông thương hiệu? Vietjet không sợ khách hàng thấy phản cảm mà tẩy chay hay sao? Xin trả lời: Tẩy chay thì lấy gì mà bay. Vietjet Air định vị là hãng hàng không giá rẻ và nó rẻ thật, rẻ đến mức những khách hàng có ít tiền cũng có thể sử dụng được. Mà hiện nay, trên thị trường đang không có một hãng nào có thể thay thế được với mức giá rẻ như thế. Vậy không đi Vietjet thì đi bằng gì? Vì hãng này đang đứng một mình ở phân khúc giá rẻ nên nó chẳng cần cạnh tranh gì nhiều, họ chỉ cần khách hàng biết đến càng nhiều càng tốt, nhớ càng lâu càng tốt. Và họ sử dụng Bikini và những cô người mẫu nóng bỏng – hiệu quả đấy chứ!

Hình ảnh quảng cáo nhức mắt trong bộ lịch Tết 2018

Hình ảnh quảng cáo nhức mắt trong bộ lịch Tết 2018

Đỉnh điểm của chiến lược marketing

Sự kiện đón đội tuyển đá bóng U23 về nước

Câu chuyện Bikini chưa kết thúc ở đấy, dịp đầu năm 2018, được biết rằng Vietjet Air sẽ đồng hành cùng đội tuyển đá bóng U23 Việt Nam từ Trung Quốc về sân bay Nội Bài. Đây là chuyến bay được khán giả hết sức mong chờ bởi đội tuyển U23 đã làm nên những điều kỳ tích, mang về vinh quang, tự hào, khơi dậy tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam. Hàng triệu triệu người theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp để đón các cầu thủ, hàng nghìn người chờ đợi mòn mỏi ở sân bay Nội Bài để được gặp gỡ những người hùng.

Ấy vậy mà, với chuyến bay quan trọng nhất trong ngày, Vietjet Air vẫn bị trễ! MC thì cứ liên tục nhắc “Chuyến bay Vietjet Air sẽ hạ cánh lúc…”. Nhưng không sao, càng chờ đợi thì càng háo hức mà thời gian được xuất hiện và nhắc đến trên kênh truyền hình VTV của Vietjet càng lâu hơn. Hình ảnh chiếc máy bay với màu đỏ – vàng như màu cờ Tổ quốc và dòng chữ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” có thể khiến nhiều người xúc động. Đây quả là một trong các chiến lược marketing thông minh!

Chuyến bay đón đội tuyển U23 về nước - chiến lược marketing truyền thông tốt
Chuyến bay đón đội tuyển U23 về nước – chiến lược marketing truyền thông tốt

Nhưng Vietjet đúng là luôn biết cách tạo bất ngờ cho khán giả!

Trong khoảng thời gian để khán giả chờ đợi, Vietjet tung ngay ra những bộ ảnh của người mẫu Bikini rất nóng bỏng, rất “xôi thịt” chụp bên cạnh dàn cầu thủ U23. Cùng với đó là những biểu cảm không thể đặc sắc hơn. Và đúng như dự đoán, cộng đồng mạng được phen xôn xao, bàn tán đủ điều. Các chị em thi nhau chửi bới, cho rằng trò PR của Vietjet quá rẻ tiền. Lượt like, share, các status đăng về câu chuyện này đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội cũng khiến cho từ khóa “Vietjet Air” lọt top tìm kiếm và trở thành top – of – mind trong lòng khách hàng.

Sự kiện đón đội tuyển U23 Việt Nam bằng sự lố lăng khiến cộng đồng phẫn nộ
Sự kiện đón đội tuyển U23 Việt Nam bằng sự lố lăng khiến cộng đồng phẫn nộ

Tâm thư xin lỗi

Ngay sau đó, phía Vietjet Air đã có những động thái phản hồi. CEO của Vietjet – bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã có những thông báo cũng như chính thức xin lỗi trên trang fanpage của Vietjet. Trong thông báo này thì phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của Vietjet. Họ rằng do người mẫu tự ý làm những hành động lố bịch và sau đó, fanpage đóng cửa. Điều này lại càng gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng về những hành động thiếu trách nhiệm từ phía Vietjet.

Tâm thư xin lỗi thiếu sự chân thành, minh bạch không phải chiến lược marketing khôn ngoan
Tâm thư xin lỗi thiếu sự chân thành, minh bạch không phải chiến lược marketing khôn ngoan

Đánh giá chung

Nếu bỏ qua các yếu tố về văn hóa, về tinh thần dân tộc mà chỉ xét trên khía cạnh của các chiến lược Marketing thông thường thì Vietjet Air đã làm tốt. Cái tên Vietjet bỗng chốc được nhắc đến liên tục. Có thể sau vài năm nữa, người ta không nhớ những cô người mẫu ấy là ai, không nhớ họ đã làm gì mà chỉ nhớ về cái tên Vietjet. Và thế là đủ để thắng trong một chiến dịch truyền thông rồi. Mà “hôm nay tẩy chay thì mai vẫn bay” vì làm gì còn sự lựa chọn nào khác, liệu mấy ai có thể bỏ ra gấp 2, gấp 3 số tiền để chọn hãng hàng không có chiến lược PR sạch hơn. Bằng chứng là chẳng có con số nào cho thấy lượng khách và doanh thu của Vietjet Air bị giảm đi sau lần truyền thông này.

Chốt lại, sau tất cả những chiến dịch truyền thông Marketing này, người ta sẽ chỉ nhớ đến “Vietjet – rẻ tiền”, rẻ theo mọi ý nghĩa và trên mọi mặt trận.

Có nên học theo Vietjet hay không?

Chiến dịch này, với cá nhân Vietjet thì thành công nhưng nó không phải là chiến lược Marketing khôn ngoan cho tất cả các doanh nghiệp. Điển hình như Trần Anh đã thất bại thảm hại khi sử dụng người mẫu bikini “đốt mắt” khách hàng. Vậy nên có áp dụng hay không còn phải phụ thuộc vào những điều kiện rất riêng của thị trường và của doanh nghiệp. Phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra những chiến lược mạo hiểm như thế này vì nó luôn là con dao hai lưỡi có thể “giết chết” doanh nghiệp của bạn bất cứ lúc nào.

Hãy tỉnh táo để sử dụng những chiến lược Marketing tốt nhất và phải hướng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Leave a Reply

Nổi Bật

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

    Tư Vấn Ngay

  • DỊCH VỤ MARKETING TRỌN GÓI – ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

  • call now